Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Tết của du học sinh

Sự hoạt động tích cực của các tổ chức Hội SVVN ở nước ngoài và các hội đồng hương đã giúp cho Tết Việt của sinh viên Việt Nam xa nhà ấm áp và đoàn kết hơn.
du-hoc-sinh-vn-don-tet-2011
Du học sinh Việt Nam đón Tết Việt tại Nhật Bản
Những ngày cuối năm, trong khi người Việt bận rộn và háo hức chuẩn bị đón Tết thì du học sinh Việt Nam ở nước ngoài cũng bận rộn với nhiều kế hoạch: Vừa học, vừa làm thêm và liên lạc hội đồng hương sinh viên Việt Nam tại từng quốc gia để cùng quây quần đón Tết.
Đến Tết... nhớ đủ thứ
Tết Nguyên Đán là sự kiện trọng đại theo truyền thống người Việt và một số quốc gia khu vực Đông Á. Tuy nhiên, đối với các nước phương Tây, kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm lại là Giáng sinh và Tết dương lịch. Bởi vậy, cứ đến dịp Tết Nguyên Đán là hầu hết các du học sinh đều bày tỏ ý kiến về việc nhớ không khí Tết ở Việt Nam.
Trần Quốc Tuấn, du học sinh Việt Nam tại Nga chia sẻ: "Dù bên này cũng lạnh nhưng phủ toàn tuyết trắng, không giống cái "rét hoa đào nở" của miền Bắc. Theo lịch của phương Tây, Tết Việt thì du học sinh tại đây vẫn phải đi học. Bản thân mình còn đi làm thêm. Có năm, mấy anh em du học sinh Việt Nam trong phòng cũng cố tìm được con gà với cái bánh chưng để đi làm về cùng đón giao thừa".
Mới sang du học Anh được mấy tháng nên Tết đầu tiên xa nhà, Trần Khánh Hưng bày tỏ: "Đi du học nhớ tất cả các món ăn ở nhà, sang đây toàn đồ ăn nhanh. Nếu có vào chợ mua hàng Việt thì mùi vị cũng không được như ở nhà. Gần đến Tết, thèm giò chả quá mà không mua ở đâu được".
Cũng là du học sinh, nhưng du học ở Nhật Bản, quốc gia Đông Á cũng đón Tết Nguyên Đán, bạn Lưu Thị Khánh Vân chia sẻ: "Nhật Bản cũng đón Tết Nguyên Đán, bánh chưng và giò chả vẫn có nhưng mà mấy khoản như dưa muối, cà muối thì không tìm đâu được. Đúng là cứ đến Tết thì nhớ nhà lắm, và nhớ rất nhiều thứ ở nhà".
Tăng sinh hoạt phí cho lưu học sinh Việt Nam
Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2011.
Nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong thông tư này là tăng mức sinh hoạt phí của lưu học sinh (LHS) theo từng quốc gia du học. Ở nhiều nước châu Á và Đông Âu, mức cấp bù sinh hoạt phí theo diện hiệp định cũng được tăng lên.
Mức sinh hoạt phí được tính theo USD, chỉ riêng đối với các nước Tây Bắc Âu là tính theo đồng euro. LHS học tập ở Hoa Kỳ, Canada, Anh và Nhật Bản được tăng nhiều nhất (200 USD/tháng), kế đến là LSH ở Úc và New Zealand (172 USD/tháng)...
LHS bắt đầu nhập học khóa đầu tiên, khi làm thủ tục đi học ở nước ngoài được cấp tạm ứng chi phí đi đường và không quá 3 tháng tiền sinh hoạt phí tại Việt Nam..
Tết đến... chờ sinh hoạt phí
Du học sinh Việt Nam đi học theo diện ngân sách của Nhà nước có một khoản sinh hoạt phí hàng tháng. Chuyện chậm được nhận tiền sinh hoạt phí theo tháng, hay nhận theo phương thức 3 tháng một lần vẫn diễn ra. Việc chờ sinh hoạt phí từ trong nước gửi sang là chuyện thường của du học sinh. Trần Quốc Tuấn, du học sinh tại Nga kể: "Có lần sinh hoạt phí chậm gần nửa tháng. Cả phòng ăn toàn bánh mì và mì tôm. Nếu vào tháng Tết mà sinh hoạt phí chậm thì việc muốn có một mâm cỗ nho nhỏ đón giao thừa cũng hơi khó đấy".
Trần Hoài Nam, du học sinh của Trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên tại Nga chia sẻ: "Bên này bọn mình có món xương gà ninh. Nói thì có thể không tin, chứ chợ Việt tại Nga có chỗ chỉ bán toàn xương gà (sau khi đã được lọc thịt) với giá rẻ, sinh viên như mình hay mua về ninh nấu cháo. Đó là phương pháp cầm chừng nếu sinh hoạt phí gửi sang chậm".
Được biết, mới đây, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư liên tịch về việc tăng sinh hoạt phí cho lưu học sinh Việt Nam. Đây có thể là tin vui đầu năm đối với tất cả học sinh Việt Nam ở nước ngoài theo diện học bổng bằng ngân sách Nhà nước.
Tết... kết nối người Việt
Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) ở nhiều quốc gia đã được tổ chức và phát triển. Bên cạnh đó là sự hoạt động tích cực của các hội đồng hương người Việt. Tết là dịp để các du học sinh Việt kết nối, gặp mặt và tổ chức nhiều chương trình để tăng tình đoàn kết và cũng là dịp hỏi thăm, chúc nhau năm mới tốt lành theo đúng phong tục của người Việt.
Bạn Lưu Thị Khánh Vân, du học sinh tại Nhật Bản chia sẻ: "Bên Nhật cũng có Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Việc tổ chức các hoạt động là do hội đồng hương sinh viên Việt Nam làm. Tết Dương lịch thì đi chùa, còn Tết Âm lịch thì du học sinh cũng tổ chức ăn giao thừa, có đầy đủ bánh chưng, giò chả".
Nguyễn Thúy Hạnh, du học sinh tại Đài Loan lại cho biết: "Tết Dương lịch ở Đài Loan tổ chức hoành tráng hơn Tết Âm lịch. Tết Âm lịch bên này chỉ đi chùa vào ngày mùng 1 Tết thôi, qua ngày mùng 1 coi như là thôi Tết. Vì vậy, du học sinh bên này cũng tranh thủ ngày mùng 1 Tết tổ chức gặp mặt và ăn uống, chúc nhau sức khỏe và tổ chức các trò chơi".
"Số lượng du học sinh Việt Nam tại Nga rất nhiều, vì vậy, Hội SVVN tại Nga có khi còn tổ chức một chương trình đón giao thừa với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Chương trình đó sẽ quy tụ học sinh Việt từ khắp các thành phố trên toàn nước Nga tham dự và tất nhiên phải có một ban liên lạc để chuẩn bị cho buổi gặp mặt quan trọng này" – Du học sinh Trần Quốc Tuấn nói.
Sự hoạt động tích cực của các tổ chức Hội SVVN ở nước ngoài và các hội đồng hương đã giúp cho Tết Việt của sinh viên Việt Nam xa nhà ấm áp và đoàn kết hơn.

1 nhận xét:

  1. Thanks for the above information and if anyone is interested in Foreign Education or for the process for Study in Europe please feel free to visit Edugo Abroad.

    Trả lờiXóa